Nguồn: sưu tầm - https://doanhnhansaigon.vn/sach-hay/thuat-xu-the-de-tro-thanh-cao-thu-giao-tiep-1059202.html
Nội dung dưới đây được trích lược trong cuốn “Thuật xử thế” - một trong 4 tập của Tứ thư lãnh đạo, sẽ cung cấp cho bạn các kỹ năng để đối nhân xử thế, mở rộng mạng lưới quan hệ.
Trong sự thành công của người lãnh đạo, chỉ có 15% là kiến thức của bản thân, còn 85% được quyết định bởi khả năng giao tiếp.
Nội dung dưới đây được trích lược trong cuốn “Thuật xử thế” - một trong 4 tập của Tứ thư lãnh đạo, sẽ cung cấp cho bạn các kỹ năng để đối nhân xử thế, mở rộng mạng lưới quan hệ.
Tác giả: Hoà Nhân Người dịch: Trần Thu Hiên, Nghiêm Thuỳ Hương, Nguyễn Trọng Đông, Lê Quang Thành Bản quyền tiếng Việt: Thái Hà Books |
Download bản đọc |
Phong độ nhà lãnh đạo
Trang phục đúng mực
Cách ăn mặc có thể phản ánh trực tiếp sự tu dưỡng, khí chất, nội tâm của một người. Nó thể hiện cho người khác biết bạn là nhân vật như thế nào trước khi họ biết về bạn hay tài năng của bạn, vì thế đầu tư thời gian cho việc này là bạn đã thành công 50% rồi đấy.
Khi nhà lãnh đạo chú trọng đến mục đích của phục trang, không đơn thuần là làm đẹp cho bản thân mình, mà đó còn là cách thể hiện tâm hồn và sức hấp dẫn của người lãnh đạo, qua đó chuyển tải hình tượng và thực lực của doanh nghiệp, để đạt đến sự ghi nhận và ủng hộ của khác hàng mục tiêu.
Trang phục là thứ ngôn ngữ không lời, không những thể hiện cái Tôi mà còn là sự tôn trọng đối phương trong giao tiếp.
Các nhà lãnh đạo hiển nhiên không thể làm ngơ trước các mốt mới đang thịnh hành, cũng không thể chạy theo trào lưu một cách thái quá.
Trang phục của nhà lãnh đạo phải phù hợp với những điểm sau: Nếu không muốn trở thành "trò cười" của đồng nghiệp, trang phục phải phù hợp với vóc dáng; nếu không muốn khách hàng khinh thường, trang phục phải sang trọng, lịch sự; nếu không muốn người khác nhận ra tính cách hay sở thích của mình, trang phục phải đúng mực.
Với nhà lãnh đạo nữ, việc yêu thích trang điểm không phải là khuyết điểm. Nhưng trang điểm phải phân biệt rõ các hoàn cảnh và công việc khác nhau. Đặc biệt, không nên để son phấn che đi khí chất và tài năng vốn có của mình.
Phong cách cuốn hút
Trong quá trình rèn luyện kỹ năng giao tiếp, nhà lãnh đạo cần chú ý tăng cường sức lôi cuốn trong cách nói chuyện của mình.
Phong cách nói chuyện cuốn hút được tạo nên từ nhiều yếu tố: Nội dung trò chuyện, cách lựa chọn từ ngữ và chất liệu để cấu tứ bố cục bài nói, kỹ xảo, ngữ khí, ngữ điệu, tư thế khi nói chuyện, động tác cơ thể, biểu cảm...
Phong cách là sự kết hợp của phong thái, biểu cảm và cử chỉ. Phong cách nói chuyện phản ánh khí chất bên trong một con người thông qua ngôn ngữ và thể hiện sự tu dưỡng nội tâm của người đó.
Thái độ thân thiện trong giao tiếp là chìa khóa để nhà lãnh đạo thể hiện phong cách nói chuyện cuốn hút của mình.
Sức lôi cuốn của nhà lãnh đạo không phải phẩm chất bẩm sinh, mà là do sự nỗ lực không ngừng mới có được.
Một ngày không bao giờ có thể dựng lên được thành Rome. Muốn giành được sự ủng hộ và yêu mến của cấp dưới thì nhà lãnh đạo buộc phải không ngừng học hỏi, vì chỉ có như vậy bạn mới đủ tư cách làm lãnh đạo, cấp dưới mới tâm phục khẩu phục.
Nhà lãnh đạo không chỉ học tập những người làm lãnh đạo khác, mà đồng thời cũng phải học tập ngay chính cấp dưới của mình.
Trong thời đại cạnh tranh gay gắt ngày nay, để nâng cao sức sản xuất, nhà lãnh đạo buộc phải giỏi khích lệ cấp dưới, buộc phải rộng rãi, hào hiệp và không nên để cấp dưới cảm thấy bạn đang ra sức bóc lột họ.
Hãy hào phóng rút tiền trong túi! Đây là một nguyên tắc dùng người quan trọng. Nó vừa là một cách khen thưởng, cũng là phương thức biến các mối quan hệ trở nên thân thiết hơn.
Đối với người bình thường, khi chúng ta nhận được một thứ gì đó đều cảm thấy vui sướng, vì chúng ta quá coi trọng việc "nhận" chứ không phải "cho". Khi trở thành lãnh đạo, bạn sẽ có cơ hội làm điều ngược lại. Tuân theo quy tắc "cho đi", cũng có nghĩa là bạn sẽ thu về thành công vô tận.
Nhà lãnh đạo cho dù làm bất cứ việc gì cũng nên tỏ ra chín chắn, hiểu biết hơn cấp dưới, và nhất là trước sau phải giữ vững được phong độ và sự uy nghiêm hơn người.
Muốn trở nên chín chắn khi giải quyết công việc, bạn buộc phải thấu hiểu nhân tình thế thái trong mọi tình huống, phải đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu được suy nghĩ của họ.
Lịch thiệp cũng là một nhân tố tạo nên sự chín chắn khi xử thế. Dưới đây là 5 bí quyết giúp bạn phát triển sự chín chắn, kinh nghiệm và lịch sự:
1. Luôn giữ vẻ ngoài vui vẻ, lạc quan.
2. Trong mọi việc, hãy suy nghĩ cho người khác nhiều hơn.
3. Học tập những người cư xử khéo léo, nghiên cứu cách xử thế của họ.
4. Phát huy tinh thần hợp tác ngay trong cách nghĩ, tư tưởng cũng như hành động.
5. Đối với người khác hãy khoan dung, nhẫn nại hơn.
Tâm lý lành mạnh
Người lãnh đạo phải xây dựng quan niệm đầu tư lâu dài cho các mối quan hệ xã hội.
Hãy chân thành từ những điều nhỏ nhặt nhất, mà muốn làm được như vậy thì trong tâm phải có sự chân thành.
Cổ nhân nói: Cảm hoá con người không gì bằng tình cảm. Chất keo giúp gắn kết con người với con người chính là tình cảm. Cho nên khi thuyết phục người khác, bạn nên chinh phục họ bắt đầu từ tình cảm.
Trong quá trình giao tiếp, nếu nhận thấy người khác có thành kiến với mình, thì việc cần làm trước tiên là nên nghĩ cách để tìm hiểu xem trong lòng đối phương rút cuộc đang nghĩ gì. Trốn tránh tuyệt đối không phải là cách hay.
Khi Kenndy tranh cử tổng thống, mặc dù phần đông dân chúng đều mến mộ trí tuệ và tài năng của ông, nhưng trong lòng họ vẫn có những hoài nghi, lo lắng. Trước tiên, ông còn quá trẻ, trong lịch sử Hoa Kỳ chưa có ai đắc cử tổng thống ở tuổi đời trẻ như vậy. Kế tiếp là vấn đề tôn giáo, Kennedy có một con chiên của Thiên chúa giáo, trong khi đó tín đồ Thiên chúa chỉ chiếm 1/10 dân số Hoa Kỳ. Đối thủ tranh cử từng công kích ông: "Muốn làm tổng thống thì trên đầu hãy mọc vài sợi tóc bạc đã nhé!".
Kennedy không tránh né, ông đáp trả rằng : "Tóc có bạc hay không chẳng liên quan gì đến việc làm tổng thống cả, điều quan trọng nhất là phải xem dưới bộ tóc đó có thứ gì!".
Ông còn đề cập đến vấn đề tôn giáo của mình như sau: "Chính vì tín đồ Thiên chúa là công dân thiểu số của Hoa Kỳ, nên nếu tôi trúng cử làm tổng thống, điều đó cũng có nghĩa quốc gia này tôn trọng công dân thiểu số. Sau này, công dân da đen, da vàng, hay theo các tôn giáo khác đều có thể ra làm tổng thống".
Cách giải thích của Kennedy không chỉ quét sạch sự hoài nghi, lo lắng trong lòng dân chúng, thậm chí nhờ điều này ông còn giành trọn số phiếu bầu của bộ phận công dân thiểu số.
Phải thấu hiểu bản thân mới có thể rèn luyện kỹ năng giao tiếp.
Không kềm chế được bản thân sẽ vĩnh viễn không khống chế được người khác. Năng lực tự kiềm chế không những giúp người lãnh đạo xây dựng hình tượng tốt đẹp mà còn góp phần rèn luyện trí tuệ tốt hơn.
Nếu bạn xem nhẹ việc tự kiềm chế bản thân, bạn không chỉ là tổn thương người khác mà chắc chắn cũng làm tổn thương chính mình.
Lãnh đạo cũng khó tránh khỏi có những thời điểm tâm trạng không được tốt. Những lúc như thế sẽ dễ nảy sinh nhiều hệ quả không hay. Làm thế nào khống chế bản thân một cách hiệu quả? Ngoài việc tăng cường sức mạnh của ý chí, có một vài biện pháp khá hiệu quả như sau:
Tạm thời coi tất cả những người xung quanh là đồ vật. Bực tức thường có nguyên nhân từ người khác. Vì thế, đừng ngại coi đối phương như đồ vật. Làm như vậy có thể giúp bạn lấy lại chút bình tĩnh trong giây lát trước khi cơn tức giận nổ ra. Việc tiếp theo là bạn nên lấy tiêu chuẩn khách quan, công bằng một chút để nhìn nhận lại vấn đề.
Sử dụng phương pháp hít thở sâu để xoa dịu cơn nóng giận. Sau đó hãy tự nói với mình: “Tôi không bực tức. Tôi rất bình tĩnh”. Lặp lại như vậy vài lần có thể khiến cơn bực tức được điều hòa,thậm chí hoàn toàn tiêu tan.
Dành cho bản thân một khoảng thời gian hoàn toàn thư giãn, chẳng hạn không làm bất cứ việc gì, cũng không cần để ý đến thời gian; hoặc tưởng tượng mình như chú chim nhỏ đang bay lượn trong không trung, điều hòa nhịp thở và nhịp tim; nghe nhạc hay làm bất cứ việc gì bản thân thích... Cho dù chỉ là vài phút ngắn ngủi cũng giúp ích rất lớn cho bạn.
Hiểu lễ nghĩa
"Hiểu lễ nghĩa đi khắp thiên hạ, vô lễ một bước cũng khó khăn", "Có qua mà không có lại là vô lễ" là những triết lý sống của người phương Đông.
"Lễ" cũng là một cách thể hiện trí tuệ của mỗi người, thể hiện sự tôn trọng đối với người khác. Nó cũng là cách tự nhiên giúp người lãnh đạo mở rộng không gian cho mình, là nguyên tắc con người sống trong xã hội hiện đại bắt buộc phải tuân thủ.
Những người lãnh đạo thực sự biết cách tận dụng các mối quan hệ đều là những người có con mắt nhìn xa trông rộng, khi bất ngờ gặp khó khăn, họ mới nhận được sự giúp đỡ từ người khác.
Có thể thấy, quan hệ cộng đồng tốt đẹp có ý nghĩa không hề nhỏ đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Để có được điều này, doanh nghiệp không được xây dựng tiền đồ của mình trên sự tổn hại lợi ích của cộng đồng dân cư, mà phải trên nỗ lực bảo vệ môi trường sống của cộng đồng.
Trên thương trường, mối quan hệ rộng có ý nghĩa nổi bật với người trong giới kinh doanh. Ai cũng biết “thêm một người bạn, thêm một con đường”.
Trong mối quan hệ giữa bạn bè, bạn đặt vị thế của đối phương cao hơn một bậc, như vậy tình cảm được tích luỹ dần lên, bạn bè nhiều thêm, môi trường tồn tại và phát triển của công ty sẽ ngày càng đi vào quỹ đạo tốt đẹp.
Thương trường là nơi tổng hợp của các mối quan hệ thương mại. Vì vậy có người nói, làm kinh doanh 30% dựa vào kỹ xảo, còn 70% dựa vào thu phục lòng người.
Cuộc sống là sự sáng tạo. Chúng ta phải học cách yêu mến cuộc sống và người sáng tạo ra cuộc sống.
Mỗi quốc gia, vùng miền có những phong tục, tập quán khác nhau cần được tôn trọng và tuân thủ khi "nhập gia" |
Xây dựng hình tượng bản thân
Người lãnh đạo muốn tạo dựng được uy tín và giành được sự tín nhiệm của mọi người thì trước tiên phải tự tin. Biểu hiện của sự tự tin như sau:
Nhìn thẳng vào mắt đối phương, chủ động bắt tay với họ, chủ động mở lời trước, trực tiếp giới thiệu bản thân, khuôn mặt luôn nở nụ cười, nét mặt chân thành, thái độ không tự ti cũng không kiêu ngạo, cố gắng dùng lời lẽ hài hước, không cố ra vẻ kiểu cách, giọng nói phải mạch lạc, rõ ràng.
Tham gia đàm phán kinh doanh không được quên mang theo danh thiếp, không nên tuỳ tiện phát danh thiếp của mình cho người khác, sau khi đã nhận danh thiếp của người khác không được để lung tung, không được quên tên họ của khách hàng; phải phân tích bản thân giao dịch có khả năng thành công được hay không, chứ không nên căn cứ vào ấn tượng của bạn với đối phương để xác định có hợp tác thành công hay không.
Khi bước vào một căn phòng có đông đảo quan khách đang ngồi, nên đưa mắt nhìn một lượt khắp phòng và mỉm cười. Điều này sẽ khiến bạn giảm bớt căng thẳng và tự nhiên hơn.
Bình tĩnh là điều cần thiết, thận trọng cũng nên có, nhưng tuyệt đối không được chần chừ, do dự.
Muốn người khác cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái, chính bạn phải làm được điều đó. Dù gặp phải vấn đề nghiêm trọng đến thế nào, khó khăn lớn đến đâu đều phải cố hết sức thư giãn.
Bí quyết để khắc phục cảm giác tự ti là biến “tôi” thành “chúng ta”; chỉ cần nghĩ rằng “không có đường cùng” là có thể giảm bớt sự sợ hãi trước tương lai.
Khi sắp thất bại, nên nhìn nhận sự việc một cách lạc quan vì điều này có thể tăng thêm tự tin. Khi bạn thấy mông lung, nên nhớ lại trực giác ban đầu. Bất cứ việc gì, chỉ cần thông thạo được một phần thôi thì những việc khác cũng có thể theo đó mà giải quyết.
Hình ảnh đẹp chính là vốn liếng của bạn. Nếu có thể xây dựng được hình ảnh đẹp, bản thân bạn sẽ tràn đầy tự tin và khiến mọi người xung quanh nhìn bạn bằng con mắt khác, bạn dễ dàng nắm được cơ hội thành công.
Thông thường, hình ảnh đẹp có tám đặc điểm lớn sau: có chí tiến thủ, lạc quan nhìn về phía trước, luôn có cảm giác thành công, có lòng tin, thái độ cởi mở, tinh thần sáng tạo, mạo hiểm, nhạy bén.
Xây dựng hình tượng tốt về bản thân để khiến người khác nhìn ra khát khao thành công của bạn, thấy được bạn dốc hết sức làm việc để hướng tới một ngày mai tươi sáng.
Nếu bạn phát huy được sở trường của bản thân, người khác sẽ thích ở bên bạn, dễ dàng hợp tác với bạn.
Làm thế nào để giành được sự tin tưởng của cấp dưới? Vấn đề này luôn khiến các nhà lãnh đạo phải đau đầu. Nếu bạn có được sự tin tưởng của cấp dưới, công việc của bạn sẽ vô cùng thuận lợi, ngược lại, quan hệ đôi bên xấu đi thì làm việc gì cũng khó.
Người lãnh đạo tin tưởng cấp dưới là người lãnh đạo chín chắn, lý tưởng nhất. Khi xử lý mối quan hệ với cấp dưới, họ luôn đặt cơ sở ở việc “tin tưởng hoàn toàn”. Họ thích giao nhiệm vụ, tin tưởng cấp dưới có đủ ý chí, đạo đức, năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bạn phải hiểu rõ cấp dưới có sở trường gì để tận dụng và tránh các sở đoản của họ. Tin tưởng cấp dưới còn thể hiện ở việc không tuỳ tiện bộc lộ cảm xúc nghi ngờ hoặc mất kiên nhẫn với những ý kiến sáng tạo đổi mới của họ.
Khi cấp dưới phạm sai lầm nghiêm trọng, hãy cố gắng hết sức để sửa chữa hậu quả chứ không nên đối xử lạnh nhạt với họ.
Đối với những cấp dưới có thành tích xuất sắc, nên có những biện pháp bảo vệ, tạo môi trường làm việc tốt cho họ.
Khi cấp dưới vì một nguyên nhân khách quan nào đó mà vấp phải trở ngại hoặc thất bại, người lãnh đạo nên đứng ra nhận trách nhiệm, tuyệt đối không được đổ hết trách nhiệm lên đầu cấp dưới, như vậy cấp dưới mới có được cảm giác an toàn.
Nếu người lãnh đạo giữ được chữ tín thì dù họ không hoạt ngôn cũng vẫn được người khác tôn trọng. Ngược lại, có dùng lời hoa mỹ đến mấy nhưng không giữ lời thì không bao giờ có được sự tin tưởng từ người khác.