6 tình huống khiến bạn chẳng thể nào “ngóc đầu” lên được trong sự nghiệp

Michael Lombardo – nhà sáng lập của Tập đoàn tư vấn chiến lược Longminger Limited của Mỹ đã đưa ra 6 tình huống khiến nhân viên văn phòng khó có cơ hội thăng tiến trong công việc. Nếu đang rơi vào một trong 6 hoàn cảnh này thì hãy tỉnh táo nhận ra và thay đổi ngay lập tức nhé.

1. Bất đồng với lãnh đạo cấp cao

Kể cả khi bạn đúng thì việc bất đồng với cấp trên rõ ràng cũng chẳng hề mang đến dấu hiệu tích cực gì cho bạn cả. Cố tranh cãi để chứng minh bạn đúng và nghĩ rằng đây là cách để gây ấn tượng với lãnh đạo là điều rất sai lầm mà bất cứ ai muốn thăng tiến nhanh không nên phạm phải.

2. Không thể quản lý nhóm làm việc

Bạn được giao quản lý một nhóm làm việc nhưng bạn không thể nào gắn kết các thành viên, không thể tạo động lực cho họ, phân công công việc thiếu công bằng, không nhận ra điểm mạnh của từng người và mất kiểm soát thì bạn chẳng thể nào nằm trong danh sách được cân nhắc lên vị trí cao hơn được. Ngay cả một nhóm nhỏ còn không làm chủ được thì làm sao bạn có thể khẳng định rằng mình sẽ làm tốt ở cương vị của một quản lý cấp cao?



3. Khó khăn khi phát triển quan hệ công việc

Khi được thăng chức ở vị trí cao hơn thì nghĩa là bạn đã có tiếng nói, được "đứng" trên nhiều người và lúc này, bạn phải hòa đồng, gắn kết với nhiều người hơn nữa. Với tính chất công việc như vậy thì một người luôn bắt nạt đồng nghiệp yếu thế, xa lánh mọi người, chỉ thích làm việc độc lập, giao tiếp kém và đa phần nhân viên đều không muốn lại gần rõ ràng không phù hợp.

4. Không hoàn thành nhiệm vụ

Hứa và cam kết nhưng không hoàn thành, cả về yêu cầu chất lượng lẫn thời hạn; làm việc cẩu thả, không chú tâm và thường xuyên bỏ qua các chi tiết dù nhỏ nhặt là những thói quen làm việc mà bạn cần thay đổi ngay nếu muốn được sếp để ý đến.

5. Thiếu kỹ năng hoạch định

Khi đã lên cấp quản lý, dù là cấp trung hay cấp cao thì bạn cần phải có khả năng hoạch định chiến lược và phải liên tục rèn luyện kỹ năng này để phục vụ công việc. Đây là yêu cầu bắt buộc cho các vị trí lãnh đạo, cũng đồng thời là tiêu chí mà tổ chức xét đến khi tìm kiếm nhân tài cho những bộ phận quan trọng. Nếu cứ mãi là nhân viên và không chịu học hỏi thêm thì sự nghiệp của bạn chắc chắn vẫn sẽ "dẫm chân tại chỗ".

6. Xem thường thực lực

Nếu bạn khăng khăng rằng mình có sếp lớn "chống lưng", có người quen ủng hộ, hay tài năng bẩm sinh của mình trước sau cũng "hữu xạ tự nhiên hương", thì đôi lúc suy nghĩ đó sẽ khiến bạn lười nhác và chẳng thể nào "nhặt được sung cho dù trái đã rụng". "Tôi biết tôi sẽ lên chức kỳ này vì các lãnh đạo cộm cán đều đứng về phía tôi" – nếu bạn nghĩ như thế và cho rằng mình là ngôi sao trẻ đang lên thì có thể bạn đã lầm. Chính thực lực mới là ngọn đuốc dẫn đường và chính bạn phải là người thắp sáng nó để cấp trên nhìn rõ tài năng của bạn.
Nếu những trường hợp trên đây không phải là khó khăn hiện tại của bạn hiện giờ nhưng bạn vẫn cảm thấy mình đang "trật chìa" trong công việc, hãy tham vấn đồng nghiệp hoặc bạn thân. Chọn những người thân thiết với bạn và sẵn sàng cho bạn những góp ý thật lòng và quý giá, bạn sẽ có thể điều chỉnh bản thân dựa trên những phản hồi này.
(Nguồn: sưu tầm)

Previous Post Next Post