Trì hoãn dường như đã là "căn bệnh thế kỉ" mà nhiều người trong số chúng ta thường hay mắc phải. Vậy nguyên nhân sâu xa của căn bệnh này là gì?
Mọi người thường hay trì hoãn công việc. Ngay từ khi bắt đầu việc gì đó, người ta đã nghĩ đến việc trì hoãn một thứ gì đó sang một bên. Đôi khi việc trì hoãn là vô hại. Ví dụ như việc giặt giũ chẳng hạn. Chả ai thích giặt giũ cả, cho đến khi đống quần áo dơ đến mức bốc mùi khiến bạn không thèm mặc lại chúng nữa thì bạn vẫn sẽ là một công dân tốt của xã hội nếu trì hoãn việc giặt quần áo thêm vài tiếng đồng hồ (hoặc vài ngày).
Với việc nghiên cứu đề tài này, tôi đã trì hoãn bài viết này cho đến tận khi gần đến sát thời hạn nộp. Và bạn biết không thậm chí tôi còn trì hoãn nó thêm một chút nữa (hoàn toàn dành cho mục đích nghiên cứu), nó vẫn được thực hiện hoàn thành. Dưới đây là 9 lý do thường khiến bạn trì hoãn công việc mà có thể hay mắc phải. Hãy ngồi xuống và xem thực hư tình trạng của bản thân bạn ra sao nhé:
1. Bạn muốn kiểm soát mọi thứ
Nếu bạn ngưng lại mọi thứ nghĩa là mọi việc sẽ không thể đi chệch hướng được đúng không? Khi trì hoãn, công việc vẫn nằm trong tầm kiểm soát của bạn và khiến bạn cảm thấy yên tâm. Tuy nhiên, điều này rõ ràng cũng đồng nghĩa với công việc chưa thể hoàn thành. Thật không may là bạn không thể nào trì hoãn được mãi.
2. Bạn xem mỗi công việc giống như một dự án lớn
Thật lòng mà nói, hầu như mọi thứ chúng ta làm đều có thể được chia thành từng phần nhỏ để dễ dàng kiểm soát. Ví dụ hãy xét lại việc giặt quần áo mà tôi đã đề cập ở trên. Nếu việc giặt quần áo có vẻ là một công việc gây nản lòng thì hãy chia nó ra thành từng bước. Gom hết quần áo dơ lại. Phân loại đồ màu và đồ trắng. Bỏ vào máy giặt. Phơi khô. Gấp chúng lại. Hiển nhiên, việc giặt quần áo là một ví dụ đơn giản, nhưng điều này có thể áp dụng vào một số trường hợp khác. Bằng cách chia nhỏ từng phần ra, bạn sẽ thấy mọi việc dễ dàng để hoàn thành hơn nhiều.
3. Bạn là người theo chủ nghĩa hoàn hảo
Đôi khi chúng ta thường thích cầu toàn. Thế nhưng, điều này sẽ dẫn đến việc nhiều vấn đề bị trì hoãn hoặc rời bỏ nhiều thứ chỉ bởi bạn lo ngại một kết quả không đạt đến mức hoàn hảo. Hãy nhớ rằng thực tế không có gì đáng lo ngại nếu mọi thứ không diễn ra chính xác như bạn dự tính. Hơn nữa, một công việc được hoàn tất, dù không hoàn hảo thì vẫn tốt hơn một công việc bị bỏ dở chưa hoàn thành giữa chừng.
4. Bạn lo sợ thất bại
Nỗi sợ thất bại luôn lôi kéo bạn trì hoãn công việc. Dĩ nhiên, bạn sẽ không thể nào thất bại khi mà chưa hề bắt tay vào thực hiện nó. Thật không may mắn, lối suy nghĩ này sẽ làm giảm hiệu quả làm việc đi rất nhiều. Đối mặt với nỗi sợ thất bại sẽ giúp bạn vượt qua nỗi sợ đó hoặc giúp bạn học cách chế ngự nó. Vậy nên, lần tới khi nghĩ đến việc trì hoãn một công việc chỉ vì sợ thất bại thì hãy dẹp ngay ý nghĩ đó đi nhé. Vượt qua nó, bạn sẽ trưởng thành hơn với những kinh nghiệm có được.
5. Bạn không có khả năng tự chủ tốt
Mỗi người trong chúng ta đều có khả năng tự chủ khác nhau. Thế nhưng, bạn cần đạt được một mức độ tự chủ nhất định để làm việc có hiệu quả. Căn bệnh trì hoãn sẽ dễ dàng tìm đến những người thiếu kỷ luật, không hoàn thành công việc đúng thời hạn và làm việc thiếu tổ chức đó.
6. Bạn không lên danh sách những việc cần làm
Thi thoảng, trì hoãn là một hệ quả của việc bỏ dở giữa chừng. Nếu tạm gác việc gì đó sang một bên và quên ghi chú lại rất có khả năng bạn sẽ hoàn toàn quên khuấy đi mất. Nếu bạn là một người hay quên, hãy lên một danh sách các việc cần làm, ghi vào đó tất cả các nhiệm vụ và chỉ gạch đi khi đã hoàn tất 100% thôi nhé.
7. Bạn ước định thấp về thời gian cam kết
Chắc chắn sẽ cực kỳ nản khi bạn phải mất đến hai tuần để hoàn thành một dự án mà bạn nghĩ chỉ tốn một tuần phải không? Thường xuyên ước lượng sai thời hạn dễ dẫn đến việc trì hoãn nhiều hơn, bạn sẽ có xu hướng trì hoãn khi nghĩ mình còn thời gian hoàn thành. Nhưng khi nhận ra mình không có nhiều thời gian như dự tính, bạn có thể phải bước vào một "cuộc đua gian khổ" thực sự để hoàn thành công việc.
8. Bạn (đơn thuần là) có năng lực
Trì hoãn một công việc không phải lúc nào cũng tệ. Nhiều người thường làm việc tốt và hiệu quả hơn khi có áp lực, trong khi một số người khác chỉ đơn thuần là gặp may mà thôi. Tuy nhiên, xét cho cùng đến một lúc nào đó việc trì hoãn sẽ không diễn ra suôn sẻ đến thế. Hãy lưu tâm đến chất lượng công việc và chắc chắn rằng không để lộ ra dấu vết của những phút chạy nước rút bởi đó sẽ là điểm trừ vô cùng lớn.
9. Bạn lười biếng
Lười biếng là nguyên nhân số một khiến hầu hết chúng ta trì hoãn. Chúng ta cảm thấy không có hứng thú làm việc gì cả và... không làm gì cả. Tuy nhiên, lười biếng không phải lúc nào cũng xấu bởi nó giúp bạn nạp lại năng lượng một chút. Lâu lâu bạn có thể lười biếng nằm xem show truyền hình mà không đi quét nhà cũng không sao. Chỉ là đừng để hành động đó trở thành thói quen xấu của bạn.
(Nguồn: sưu tầm)