7 biểu hiện người không biết cách cư xử trên bàn ăn

Ngày nay, người ta không còn chú trọng vào các phép lịch sự trên bàn ăn. Nhưng nhìn vào các hành động của một người trong khi dùng bữa có thể đánh giá được phần nào là người đó có văn hóa ứng xử hay không. Trước khi thói quen xem ti vi khi dùng bữa hình thành, việc cư xử đúng mực và có văn hóa trong bữa ăn quan trọng với tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác. Điều này thể hiện một thái độ tôn trọng với những người xung quanh và tu dưỡng đạo đức trong sinh hoạt và lối sống. Chúng ta có thể không nhận ra sự khác biệt, nhưng cách hành xử của của chúng ta ngày nay ‘kém văn minh’ hơn rất nhiều so với các tiêu chuẩn trong quá khứ. Có thể giữa những người trẻ sẽ khó nhận ra sự thiếu sót này, nhưng nhiều người thuộc ‘thế hệ trước’ chắc chắn sẽ không dễ dàng bỏ qua.

1. Uống rượu khi thức ăn còn đầy trong miệng
Bạn chắc hẳn có ít nhất một lần uống nước hoặc rượu khi thức ăn vẫn còn đầy trong miệng. Thói quen “tự nhiên” này nghe thì thấy bình thường nhưng nó thể hiện sự vội vã và không lịch sự trong cách ứng xử. Vụn thức ăn có thể bám dính trên ly nước, gây mất vệ sinh và thiếu mỹ quan. Hơn nữa, hầu hết mọi người dùng rượu khi ăn cơm với mục đích thưởng thức. Sự kết hợp kém hợp lý giữa hỗn hợp đồ ăn và rượu sẽ làm mất đi tinh thần của cả bữa ăn.

  2. Không để ý tới lời ăn tiếng nói trong suốt bữa cơm
Ngày nay, chúng ta có thể vô tư trao đổi bất kì chủ đề nào khi ăn cơm từ công việc, gia đình, tình yêu đến chuyện… nhà hàng xóm. Nhưng trước đây, các quy tắc hành xử khắt khe hơn rất nhiều. Bạn cần đảm bảo các cuộc hội thoại diễn ra thật rõ ràng và phù hợp với các giá trị đạo đức. Mỗi người cần cân nhắc kĩ lưỡng về những lời nên nói trong suốt bữa ăn. Vì các cụ vẫn thường dạy “Trời đánh tránh miếng ăn”. Nói những lời không cần thiết hoặc gây mâu thuẫn sẽ khiến không khí bữa cơm trở nên căng thẳng. Bữa cơm nên là thời gian tụ họp và nạp năng lượng sau những giờ phút lao động mệt mỏi.
Tuy nhiên hiện nay, có thể thấy rằng hơn một nửa các cuộc cãi vã, tranh luận lại thường xuất hiện ngay giữa bữa cơm và dẫn đến cảnh thường thấy là ai đó tức giận bỏ ngang bữa ăn hay nặng nề hơn là đập vỡ bát đũa. Đó là một thực trạng đáng buồn sinh ra do việc tùy tiện đề cập tới những chủ đề dễ gây tranh cãi hoặc nhạy cảm trong bữa ăn của những thành viên trong gia đình.
3. Ăn ‘không trông nồi, ngồi ‘không trông hướng’

“Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” vốn là điều cha ông ta dạy con cháu mình khi ăn chung với người khác. Trên bàn ăn có thể bày rất nhiều món ngon và hấp dẫn. Nhưng nếu bạn chỉ ăn những gì mình thích mà không để cho người khác có cơ hội nếm chúng, thì cách hành xử này chẳng duyên dáng và đúng mực chút nào! Chúng ta cần biết chia sẻ và chú ý tới những người xung quanh để không tự biến mình thành một người thiếu văn hóa. Thêm vào đó, cách đưa đồ dùng cho người khác cũng cần lịch sự, không nên quá thoải mái hoặc thô lỗ.


4. Hắt hơi một cách vô ý tứ
Khi bạn nếm một món ăn cay và có dấu hiệu sặc, hay cơn cảm cúm vẫn chưa kết thúc thì hắt hơi là một việc không thể tránh khỏi. Nhưng nếu bạn hướng mặt vào bàn ăn và vô tư hắt hơi thì hành động này lại vô cùng khiếm nhã. Bạn cần chú ý tới cảm nhận của người đối diện và hắt hơi một cách kín đáo nhất có thể để tránh việc mọi người cảm thấy mất vệ sinh khi đang dùng bữa.


5. Không ý tứ về chỗ ngồi và tư thế
Thông thường, nếu bạn dùng bữa với cha mẹ, người lớn tuổi hoặc cấp trên của bạn, thì bạn nên để họ chọn chỗ ngồi và mời họ ăn trước. Tùy tiện chọn chỗ hay quên mời người đối diện sẽ thể hiện sự thiếu tôn trọng. Bạn cũng không nên có những hành động quá thoải mái hay dáng ngồi chưa hợp lý khi trò chuyện ăn cơm với họ. Ngày nay khi ăn, mọi người thường đặt khuỷu tay trên bàn, nhưng trước đây điều đó chỉ được phép khi bạn lấy các món ăn.

6. Thổi vào súp hoặc đồ ăn nóng
Thổi vào thìa súp hay bát súp được coi là một trong những hành động bất lịch sự nhất nhì trên bàn ăn. Thay vào đó, hãy để súp tự nguội và ăn từ từ từng thìa.



7. Dùng thìa của mình để múc gia vị
Mỗi lọ đường hay muối đều nên có thìa riêng để múc. Mặc dù việc dùng thìa riêng của mình để múc nhanh một muỗng có vẻ tiện lợi, nhưng việc ấy rất mất vệ sinh và sẽ khiến gia vị bị ẩm mốc, nhanh hỏng.

Những cử chỉ, hành động trên bàn ăn, tuy đơn giản nhưng bộc lộ rất nhiều về tính cách và lối sống của một người. Để không bị coi là mất lịch sự hay thiếu văn hóa, bạn nên ghi nhớ những nguyên tắc hành xử trên. Đặc biệt đối với những nàng dâu khi về ăn nhà chồng, việc lưu ý các quy tắc ứng xử trên sẽ giúp bạn ghi điểm trọn vẹn trong mắt các bậc phụ huynh.
(sưu tầm)


Previous Post Next Post